4Like - FC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Up tiếp...:D

Go down

Up tiếp...:D Empty Up tiếp...:D

Bài gửi by anl4enfz Wed Mar 30, 2011 9:12 am

Chương 2: “Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật”
Từ đó trở đi ông tôi đi làm lính, lại rất được trọng dụng, khốn nỗi cái thời ấy thiên hạ đại loạn, quân phiệt hỗn chiến,chỉ cần nắm trong tay một đội quân độ trăm người là đã có thể cát cứ một vùng, nay ngươi diệt ta, mai kẻ khác lại xử ngươi, chẳng mấy thế lực có thể giữ được lâu dài. Thế lực của đội quân mà ông tôi đi theo vốn dĩ không lớn, chưa quá một năm đã bị một đạo quân khác đánh cho tơi bời khói lửa trong trận chiến tranh giành địa bàn, kẻ thì chết, người thì bỏ chạy, ngay cả tay quân phiệt trước đã cất nhắc Hồ Quốc Hoa cũng trúng đạn tử trận.
Sau cuộc binh bại, ông nội tôi chạy về quê cũ, lúc bấy giờ gian nhà rách nát ngày xưa đã sập từ đời nào, lại vì chạy trốn quá vội vàng nên trên người cũng không mang theo đồng xu nào, hai ngày liên tục không được ăn, cộng với cơn nghiện hoành hành, ông chẳng còn cách nào khác, đành phải bán khẩu súng cho bọn thổ phỉ, đổi lại chút thuốc hút đồ ăn để giải quyết mối nguy trước mắt.
Ông tôi trầm tư tự nhủ, cứ tiếp tục thế này cũng chẳng phải cách, một dúm lương thực với thuốc phiện này cùng lắm cũng chỉ có thể gắng gỏi được dăm ba hôm, nhưng ăn trơn hít sạch rồi thì sau đó thế nào? Khi ấy ông mới chợt nhớ ra cách nhà chừng hơn trăm dặm có khu Thập Tam Lý phố, chỗ ấy có rất nhiều mộ phần của các bậc đại quan hiển quý, bên trong có vô số đồ tuỳ táng đắt tiền.
Ông Hồ Quốc Hoa lúc bấy giờ đã từng đi lính, từng đánh trận, so với trước kia giờ đã to gan lớn mật hơn nhiều. Trước trong quân đội, ông tôi từng được một tay binh sĩ già kể cho nghe nhiều chuyện đào trộm mộ, trộm mộ trong dân gian vẫn thường gọi là “đổ đấu”(1), có thể phát tài lớn, nhưng nếu bị bắt thì chỉ có nước bêu đầu, cho nên ông không dám hành động vào ban ngày, đành đánh liều cầm đèn, vác cuốc đi tới khu mồ hoang Thập Tam Lý trong một đêm trăng lông.
Trăng lông tức là trăng gì? Tức chỉ trời không mây, nhưng ánh trăng không sáng mà mông lung mờ ảo. Đương nhiên người thời nay chúng ta đều biết, đây là một hiện tượng tự nhiên, trăng như vậy thường được gọi là trăng quầng, là điềm báo sắp có gió to, nhưng người nhà quê thời ấy,nào ai biết gì về khoa học. Ở một số vùng quê dân cứ gọi đó là trăng mọc lông, có người nói đêm trăng u ám như vầy, cũng chính là lúc cô hồn dạ quỷ thích ra ngoài lảng vảng nhất.
Vừa tới nơi, ông liền uống ngay nửa cân rượu cho nóng người, lấy thêm can đảm. Đêm hôm ấy, trăng lạnh sao thưa, gió âm se sắt, giữa nấm mồ hoang chập chờn những đốm mà trơi, phút chốc lại có tiếng chim lạ kêu lên ken két, ngọn đèn trong tay lúc mờ lúc tỏ, tựa hồ có thể phụt tắt bất cứ lúc nào.
Ông nội tôi bấy giờ tuy vừa uống rượu, nhưng vẫn đổ mồ hôi lạnh bởi cái chốn ma ám rợn mình, bận này toi công, nửa cân rượu trắng uống vào coi như không, bao nhiêu rượu đều theo lỗ chân lông chảy ra ngoài hết cả.
Cũng may đây là khu mộ hoang, xung quanh không một bóng người, có gào hét ầm ĩ cũng chẳng sợ ai nghe thấy, ông tôi bèn hát vài khúc sơn ca để tăng thêm dũng khí, nhưng ông cũng chẳng biết mấy bài, được dăm ba câu thì đã hết cả vốn, sau đành hát bừa mấy điệu quen thuộc hàng ngày như “sờ mười tám cái” , “mong nhớ năm canh”.
Ông tôi đánh liều, run rẩy bước tới giữa khu nghĩa địa. Nơi đó có một nấm mộ lẻ loi không bia, giữa bãi mộ hoang đất vằng này, nấm mộ này có vẻ khác hẳn những ngôi mộ khác.
Ngôi mộ không bia, quái dị ở chỗ cỗ quan tài không hề được chôn xuống đất, mà lại cắm thẳng đứng giữa mộ phần, để lộ ra ngoài quá nửa. Cỗ quan tài trông còn rất mới, mười tám nước sơn đỏ bóng loáng dưới ánh trăng lờ nhờ chốc chốc lại ánh ra những tia sáng kỳ dị.
Ông tôi lẩm bẩm tự nhủ, cái quan tài sao lại đặt thế này cơ chứ? Mẹ tiên sư rõ quái đản, chỉ sợ không phải tầm thường. Có điều đến cũng đã đến rồi, không mở ra xem thì chuyến này đi công toi à? Hết tiền chết đói cũng là chết, không thuốc hút lên cơn cũng chết, chả bằng để ma nó bóp chết luôn đi cho sướng, ông đây cả đời toàn bị chúng nó hiếp đáp rồi, tổ bà nó, hôm nay ông quyết liều một phen, đã làm làm đến cùng.
Nghĩ xong, ông nội liền vung xẻng đào tung mớ đất chôn ngập nửa dưới cỗ quan tài lên, cả cỗ quan tài liền lộ ra trước mắt. Vốn là tay nghiên ngập, thể lực lại yếu, đào có tí đất mà đã mệt lử cả người. Ông không vội mở quan tài, ngồi bịch xuống đất moi ra ít thuốc mang theo, đưa lên mũi hít một hơi.
Đại não bị thuốc phiện kích thích, thần kinh cũng phấn khích hơn, ông nội tôi nghiến răng đứng phắt dậy, đưa xẻng nạy bung nắp quan tài ra, thi hài bên trong không ngờ lại là một mỹ nữ, mặt mũi sáng sủa như người sống, có điều phấn trát trên mặt quá dày, hai bên má lại đỏ hằn hai khoảnh son tròn, trên nền phấn trắng càng nổi bật lên như hai lá cao đỏ ói. Trên mình thi thể khoác mũ phượng dải mây, áo bào lụa đỏ, ăn vận như một cô dâu.
Xác chết này vừa được chôn xuống, hay là đã chôn được một thời gian rồi? Khu mộ này từ lâu đã bị bỏ hoang, mấy năm gần đây làm gì có ai lai vãng? Lẽ nảo ả ta đã hoá thành cương thi?
Nhưng lúc ấy, ông tôi đã chẳng còn nghĩ ngợi được gì nhiều, trong mắt chỉ còn rặt những đồ trang sức treo đầy trên mình xác chết, trong ánh đèn lay lắt đống châu báu lại loé lên những tia sáng lấp lánh đến mê người, ngoài ra đồ tuỳ táng còn có những đồng bạc được dùng giấy đỏ gói vào thành từng cọc, và vô số những lá vàng, thật nhiều không đếm xuể.
Lần này giàu to rồi, ông nội tôi hí hửng thò tay gỡ chiếc nhẫn lục bảo thạch trên tay cỗ tử thi thì đột nhiên cổ tay bị một người giữ lại, ông giật bắn mình, định thần nhìn lại, thì thấy người đang nắm tay mình hoá ra là một vị trưởng bối phong độ phi phàm.
Thì ra lúc nội tôi tất tưởi chạy tới Thập Tam Lý phố, giữa đường đã gặp một ông thầy phong thuỷ họ Tôn, Tôn tiên sinh là pháp sư có tiếng cả tỉnh, không những có thể coi số mệnh, xem phong thuỷ, mà còn biết bấm tay tiên đoán, thông hiểu Ngũ hành độn giáp nữa.
Tôn tiên sinh thoạt thấy Hồ Quốc Hoa, đã phát hiện ngay trên mặt ông tôi thấp thoáng có đám khí đen bao phủ, bấm đốt ngón tay, rồi đùng đùng nổi giận, thằng ranh con này định đi đào mà quật mộ làm trò tổn hại âm đức, nay gặp phải ta, ta quyết không thể để kệ thế được, nghĩ đoạn tiên sinh bèn đi theo để ngăn cản.
Lúc bấy giờ Tôn tiên sinh bất ngờ chộp lấy cánh tay Hồ Quốc Hoa, rồi quát lớn: “Thằng trộm kia! Mày làm như vậy không sợ bị trời đánh thánh vật sao?”.
Lời ấy vừa cất lên, ông nội tôi ngỡ như bị vả vào mặt, vội quỳ sụp xuống, cầu xin Tôn tiên sinh tha mạng.
Tôn tiên sinh đỡ nội tôi lên, rồi nói: “Tuy ngươi đạo đức băng hoại, nhưng chưa gây tội lớn, ngươi phải biết rằng quay đầu là bến, muốn ta giúp ngươi không khó, có điều ngươi phải bái ta làm thầy, rồi cai hẳn thuốc đi!”.
Ông nội tôi nghe bảo phải cai thuốc, thoạt nghĩ thế chẳng bằng lấy quách cái mạng mình đi cho xong, nhưng đắn đo một hồi thì thấy phải chịu báo ứng thì còn khổ hơn nhiều, lại nhủ, thôi thì còn nước còn tát, cứ cầu xin lão tạm tha cho đã, sau này đợi lúc lão lơi là, ta lại tiếp tục đi hút hít có sao, lão phát hiện thế nào được? Tính toán xong, ông nội liền dập đầu, vái Tôn tiên sinh tám lạy để hành lễ bái sư.
Tôn tiên sinh thấy ông nội tôi biết lỗi sửa lỗi, lấy làm hài lòng gật đầu, sau đó nhìn ra cỗ quan tài vừa bị nội tôi mở ra, thấy xác chết bên trong còn y như đang sống, cũng không khỏi giật thót mình, nhủ thầm, xem ra nơi đây là đất dưỡng thi, cái xác của cô gái này để lâu ắt sẽ ương thành đại hoạ, cần phải diệt trừ sớm mới phải. Thế rồi tiên sinh dặn dò ông tôi phải làm thế này, thế này…
Hai người hợp sức khuân nắp quan tài lên, gắng đẩy cho nắp ván đóng lại, lấy đinh dài đóng thật chắc, lại còn dùng dấu mực vẩy lên khắp quan tài những dây mực đan xen ngang dọc, tựa những ô cờ trong bàn cờ vây, từng dây mực chen nhau tạo thành một tấm lưới đen ngòm, phủ kín lên cỗ quan tài quái dị.
Tiếp sau đó ông nội tôi chất củi khô, đốt luôn cỗ quan tài sơn son thiếp bạc ấy, ngọn lửa bùng lên rừng rực, từng luồng khói đen không ngừng bốc lên ngút trời, thối không ngửi nổi, cuối cùng chỉ còn lại một đống tro tàn.
Ông tôi lúc ấy mới nhớ ra trong quan tài còn bao nhiêu vàng bạc châu báu, liền giậm chân thở dài, tiếc nuối vô cùng, nhưng đã quá muộn rồi, đành dìu Tôn tiên sinh, theo về ở cùng sư phụ.
Về sau, Tôn tiên sinh dùng phương pháp bí truyền trị cho ông tôi khỏi nghiện, lại còn truyền cho phép bói chữ với xem phong thuỷ. Nội tôi liền bày một sạp nhỏ trong huyện thành, giúp người ta xem tướng, bói chữ, kiếm ít tiền vặt, rồi lấy một cô gái dưới quê làm vợ. Ông đội ơn cứu mạng của sư phụ, từ đó về sau an phận thủ thường, cuộc sống ngày một tốt hơn.
Song một lần Tôn tiên sinh bị cảm phong hàn, từ khi đổ bệnh đã mời không biết bao thầy lang, uống rất nhiều thuốc mà bệnh tình mãi không thuyên giảm, được vài năm thì tiên sinh cưỡi gió về trời.
Trước lúc lâm chung, Tôn tiên sinh có gọi nội tôi đến, dặn rằng: “Ta và con có nghĩa thầy trò, ngặt nỗi kẻ làm thầy ta đây chưa kịp truyền thụ cho con bản lĩnh gì thực thụ cả, nay ta có cuốn cổ thư Thập tự âm dương phong thủy bí thuật ở đây, sách này tàn khuyết, chỉ còn nửa quyển, cũng chỉ chép mấy thuật coi phong thủy, tìm mộ huyệt mà thôi, con hãy giữ bên mình làm kỷ niệm vậy”. Tôn tiên sinh vừa nói xong, hơi thở chưa kịp hắt ra, đã vội lìa chào nhân thế.
Ông nội tôi an táng ân sư xong, những lúc rảnh rang lại nghiền ngẫm cuốn sách cũ của thầy để lại,ngày rộng tháng dài, lâu dần cũng nắm bắt được những lẽ ảo diệu bên trong, bắt đầu đi khắp huyện giúp người nhà giàu tìm đất tốt để đặt mồ mả, dần dà có tiếng tăm, gia nghiệp cũng ngày một hưng vượng.
Bà nội tôi sinh cho ông một người con trai, đặt tên là Hồ Vân Tuyên, đến năm mười bảy tuổi, Hồ Vân Tuyên bố tôi được gửi lên tỉnh theo học trường của giáo hội Anh Quốc, trai trẻ tính cách sôi nổi, không chịu ràng buộc, đồng thời sục sôi một bầu nhiệt huyết, đêm nào bố tôi cũng mơ được tham gia bạo động cách mạng, cuối cùng thì quyết chí bỏ nhà ra đi, chạy đến thánh địa cách mạng, Diên An.
Về sau bố tôi gia nhập quan ngũ đến tận khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng đổi mới. Rồi tới chiến dịch Hoài Hà, bố tôi được thăng lên làm trung đoàn trưởng của một trung đoàn, sau chiến dịch Độ Giang, ông theo quân đoàn xuống phương Nam, đồng thời cũng đưa gia đình định cư luôn ở dưới này.
Sau nữa thì tôi ra đời, tôi lại sinh đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Trung Hoa mồng một tháng Tám, bố liền đặt tên là Hồ Kiến Quân, kết quả là khi đi mẫu giáo, cả lớp có đến bảy tám đứa có tên Kiến Quân, thấy nhiều đứa trùng tên quá, bèn đổi tên tôi gọi là “Hồ Bát Nhất” (tức là mồng 1 tháng Cool.
Ông nội tôi, Hồ Quốc Hoa, đùa bảo: “Tên đổi hay lắm! Đơn hoà (hồ), Bát vạn, Nhất đồng (2) đây!”
Năm tôi mười tám tuổi,gia đình tôi bị đấu tố, xúât thân của bố mẹ tôi không mấy đẹp đẽ, cả hai người đều bị đem đi cách ly tra xét, còn ông nội thì bị lôi đi diễu phố phê đấu mấy chuyện giả thần giả quỷ. Ông là người có tuổi, lại chân yếu tay mềm, không chịu nổi dày vò chì chiết nên chẳng quá dăm hôm đã về trời. Cả đời ông tôi coi phong thủy cho người ta, giúp người ta chọn đất đặt mộ, vậy mà cuối đời lại bị đưa đi hoả táng. Sự đời vẫn luôn vô thường như thế.
Nhà tôi cả thảy bị soát ba đợt, tất cả những đồ đáng tiền đều bị tịch thu hết, ông nội tôi sinh thời thích sưu tầm đồ cổ, mấy thứ này không bị đập thì cũng bị thu, chẳng món nào còn được nguyên vẹn. Cuối cùng thứ duy nhất may mắn sót lại chính là cuốn sách cũ mà ông bảo tôi đem gói trong túi vải dầu, cất lên nóc nhà xí.
Thanh niên thời Cách mạng Văn hoá có ba lựa chọn: một là nhập ngũ, đây là sự lựa chọn tốt nhất, vừa có thể rèn luyện mình, sau này lại có thể được đổi ngành, phân về làm trong cơ quan nhà nước. Thứ nữa là ở lại thành phố làm công nhân, như thế cũng hay, chí ít có tiền lương mà dành dụm. Cuối cùng, xui xẻo nhất chính là những thành phần không có nhiều mối quen biết, không có cửa sau, hoặc gia đình bị đấu tố như tôi, những thanh niên này chỉ còn cách lên vùng núi hoặc về quê lao động mà thôi.
Bạn sẽ khuyên tôi nên chọn con đường thứ tư, là chẳng đi đâu hết,cứ ở im trong nhà, liệu có được không? Như vậy cũng chẳng xong, thời buổi ấy không có cái khái niệm “ngồi chơi xơi nước” đâu, mỗi người đều là đinh vít của xã hội chủ nghĩa, đều có tác dụng cả. Nếu như cứ ở trong nhà, thì Uỷ ban dân phố, trường học, ban Thanh niên Trí thức, họ nay đến, mai đến, ngày ngày đi lại như đèn kéo quân, động viên đến cùng thì thôi. Nhưng có một số người cũng kiên trì đến phút chót, họ không đi đâu hết, vậy thì làm gì được họ? Những người như thế rồi cũng được ở lại thành phố, được bố trí công việc cho. Có nhiều việc là vậy đấy, chẳng thể nói cho rõ được, càng sống càng hồ đồ,người ta chẳng bao giờ biết được quy tắc là gì, còn quy tắc ngầm thì có phải ai cũng biết đâu.
Thời ấy tôi còn quá trẻ, cũng chẳng biết lên núi ahy về quê cụ thể là phải làm việc gì, dẫu sao với lí lịch này, có muốn nhập ngũ cũng chẳng có nước, ở lại thành phố càng không ai lo sắp xếp việc cho, nếu không đi tham gia lao động thì cũng không biết đi đâu nữa. Lúc ấy tôi nghĩ bụng đi thì đi, trời cao biển rộng trái tim hồng, đằng nào cũng là xa nhà, đã thế phải đi càng xa càng tốt.
Phần lớn thanh niên chọn đi Vân Nam, Tân Cương, tôi lại chọn đi đất Nội Mông,ngoài tôi ra còn có anh bạn tên Vương Khải Tuyền, tay này trắng mà bự nên có biệt hiệu là “Tuyền béo”.
Nơi chúng tôi đến gọi là trại Cương Cương, địa danh này từ trước tới nay tôi chưa từng nghe thấy. Khi lên tàu đi xa, không ai đến tiễn chúng tôi,so với cảnh tượng náo nhiệt lúc người ta đưa tiễn người đi nhập ngũ, tình cảnh của bọn thanh niên trí thức như chúng tôi thê thảm mà bi tráng hơn nhiều. Tôi chỉ mang theo người duy nhất cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật giấu trên nóc nhà xí công cộng, tôi cũng chẳng biết đây là sách gì nữa, chỉ biết rằng đây là thứ duy nhất còn sót lại của gia đình, cứ mang theo bên người, những lúc nhớ nhà lại đem ra xem cho khuây khoả cũng tốt.
(1).Đổ đấu:tức hình dung việc trộm châu báu trong quan tài người chết như đổ cái đấu ra lấy gạo lấy thóc.
(2). Đơn hoà, Bát vạn, Nhất đồng: Bát vạn, Nhất đồng là tên hai quân bài. Đơn hoà là một trong những kiểu "ù" của trò mạt chược. Người Bắc Kinh gọi "ù" là "hú", chữ ấy âm Hán việt đọc là "hồ", cùng âm với họ Hồ.

Chương 3: Ngôi mộ trong núi
Tuy gọi là Nội Mông, nhưng kỳ thực chỗ này cách Hắc Long Giang không xa, gần tiếp giáp với biên giới Ngoại Mông rồi. Cư dân nơi đây phần lớn là người Hán. chỉ có một số ít là người Mãn, người Mông. Đội thanh niên chúng tôi tổng cộng sáu người, bốn nam hai nữ, vừa đến nơi thì ai nấy đều trơ mắt ra, chung quanh chỉ có những dãy núi nhấp nhô trải dài muôn dặm, những cánh rừng nguyên sinh ngút mắt bạt ngàn, rời khỏi thôn tầm chục dặm thì chẳng còn thấy bất kỳ bóng người nào nữa.
Nơi đây vốn không thông ra đường cái, thế nên đừng nhắc tới việc mắc điện, ở đây có thắp cây đèn dầu cũng đã là đãi ngộ dành cho cán bộ, còn phòng ai có được chiếc đèn pin thì chẳng khác gì dinh tổng thống, người sống trong thành phố hoàn toàn không thể nào ngờ đến được. Lúc ấy, chúng tôi còn nghĩ khắp mọi miền tổ quốc nơi đâu cũng có nhà cao tiệm lớn, đèn điện điện thoại sử dụng tha hồ nữa cơ.
Có điều lúc ấy cũng thấy rất mới mẻ, bởi xưa nay nào ai đã thấy dãy núi nào sừng sững đến vậy đâu, huống hồ còn lần đầu tiên được nếm bao món đặc sản miền rừng núi nữa. Núi non chung quanh sản vật tương đối dồi dào, cá thì đầy dưới sông, chẳng lo không có thứ ăn. Sau này khi về thành phố, nghe bọn bạn đi Thiểm Tây kể mới thấy chúng nó cực khổ thế nào, cả mấy năm trời có ăn được bữa nào ra hồn đâu.
Công việc của thanh niên trí thức không nặng lắm, bởi nơi đây “gần núi nhiều củi đốt, kề sông lắm cá ăn” nên việc đồng áng không vất vả quá. Có điều, buổi tối mùa hè, chúng tôi phải lần lượt thay nhau đi trông hoa màu ngoài ruộng. Vì lo thú rừng phá ruộng, cho nên mỗi tối phải có hai người ngủ ngoài đồng để canh chừng.
Đồng ruộng nơi đây không phải là những dải xanh mướt, thẳng cánh cò bay như đồng bằng Hoa Bắc, mà thường thì chỗ này một khoảnh, chỗ kia một khoảnh, tuỳ chỗ nào bằng phẳng là xới ruộng chỗ đó luôn, cho nên buổi tối phải ra ngoài đi vòng vòng để canh gác. Đêm hôm ấy đến lượt nhóm tôi và Tuyền béo, cậu ta ngủ trong lều, còn tôi ra ngoài lượn một vòng, cũng thấy chẳng có gì, bèn về lều đánh một giấc cho xong.
Quãng về gần tới lều, bỗng dưng tôi thấy có cái bóng trắng tròn tròn cách lều cỏ không xa, bèn dụi mắt nhìn cho thật kỹ, chắc chắn không phải tại hoa mắt rồi, nhưng trời tối quá nên rốt cuộc chẳng thể nhìn rõ được xem là thứ gì. Hồi ấy tôi không tin có ma, đoán là có con gì đó, bèn nhặt một cây gậy định xua nó đi.
Một đám trắng loá giữa màn đêm tối mịt, lại còn khẽ dật dờ đung đưa nữa, rốt cuộc là thứ gì đây? “Thứ đó” cũng không giống động vật, nhưng nếu không phải là động vật thì sao nó lại chuyển động được nhỉ?
Tôi tuy không sợ ma quỷ, nhưng khi đối mặt với thứ mình không biết là cái gì, thì nói cho cùng vẫn có tâm lý dè dặt, không dám vung gậy đánh thẳng tới. Cây gậy tôi đang cầm trong tay, thực ra là một cành cây tiện tay lượm được dưới đất mà thôi, tôi lấy cành cây chọc nhẹ vào đám trắng mờ ảo kia, cảm giác rất mềm... đột nhiên, trong bóng tối mờ mịt tôi nghe thấy tiếng Tuyền béo gắt lên: “Này...làm gì thế, Hồ Bát Nhất? Sao lại chọc gậy vào mông tôi thế?”.
Một phen hú vía, hoá ra là Tuyền béo, tại sáng ăn bẩn nên nửa đêm đau bụng, ngồi chồm hỗm ở đó mà đi ngoài, trong đêm cái mông trắng hếu của hắn trông thật bắt mắt.
Sáng sớm hôm sau, Tuyền béo cứ nằng nặc bắt đền tôi, một mực bảo tối qua tôi khiến hắn sợ phát khiếp, làm não hắn chết đến hàng triệu tế bào. Tôi bảo rằng: “Não cậu có nhiều tế bào thế cơ à? Cả tớ lẫn cậu đều nghèo xơ nghèo xác, nhận chỉ thị tối cao của nhà nước tới nông thôn tiếp nhận học tập những điều vô cùng cần thiết từ giai cấp trung nông nghèo khổ,tớ lấy thứ gì để đền cậu đây? Tớ đã nói với cậu từ trước rồi, với tư cách là người chiến hữu cách mạng thân thiết của cậu, tớ khẳng định toàn bộ tư trang của tớ chỉ còn lại mỗi chiếc quần đang mặc này thôi, chắc cậu không bắt tớ phải tụt quần ra đền đấy chứ?”
Tuyền béo cười nắc nẻ, nói: “Không cần phải thế, hôm trước tớ phát hiện trong khu rừng Đoàn Sơn có một tổ ong cực lớn, bọn mình đi chọc nó xuống, lấy ít mật uống cho đã, phần còn lại đem về đổi cho bố Yến Tử lấy thịt thỏ mà ăn.”
Yến Tử là tên của một cô gái, bố cô là thợ săn già có tiếng trong làng, tôi và Tuyền béo đều sống nhờ trong nhà họ. Hai cha con cô thường vào rừng đi săn, dăm hôm lại mời chúng tôi ăn thịt thú rừng, nhưng ăn mãi đồ ăn ngon nhà người ta, lâu ngày bọn tôi cũng áy náy,ngặt nỗi hai thằng tôi thực sự quá nghèo, cũng chẳng có gì mà mời lại hai cha con Yến Tử.
Tuyền béo phát hiện được cái tổ ong, bọn tôi liền quyết định kiếm ít mật về đem biếu hai cha con. Hai thằng tôi tính sốt sắng, nói làm là làm luôn, hồi còn ở thành phố, tôi và Tuyền béo đã là chúa nghịch ngợm trong toàn quân khu, giờ có chọc cái tổ ong thì nhằm nhò gì, mấy trò nghịch hơn gấp chục lần, bọn tôi cũng giỡn như cơm bữa.
Tôi sợ lạc đường, bèn tìm mượn con chó săn của Yến Tử, con chó này chỉ nhỡ nhỡ, được Yến Tử chăm nuôi từ nhỏ. Cô đặt tên nó là Dẻ Vàng, tại nó chưa lớn nên cũng không nỡ đem theo đi săn, giờ thấy chúng tôi bảo lên núi chơi một chốc, Yến Tử liền cho dắt đi ngay.
Tính đường chim bay, rặng Đoàn Sơn cách làng chúng tôi ở cũng không xa lắm, nhưng bởi không có đường đi thẳng nên chúng tôi phải trèo đèo lội suối một hồi lâu mới tới. Khu rừng này rất rộng lớn, người trong làng từng cảnh báo chúng tôi không nên vào đây, nghe đồn trong rừng thường có gấu người xuất hiện. Chúng tôi cũng từng gặp một người đàn ông chỉ có nửa khuôn mặt trong làng, nghe đầu hồi nhỏ anh ta vào rừng gặp phải gấu người, may mà bố Yến Tử chạy đến kịp thời, nổ súng đuổi con gấu đi mới cứu được. Nhưng anh ta vẫn bị con gấu liếm cho một phát vào mặt, trên cái lưỡi nhơ nhám của con gấu mọc chi chít những gai thịt, chỉ cần liếm một cái là xé phăng đi một mảng thịt lớn, đến giờ, nửa mặt trái của người đàn ông ấy đã không còn tai mắt, cả mồm mũi cũng đều méo xệch, hơn bốn mươi tuổi đầu mà chẳng lấy được vợ, người già trong làng mỗi khi nhắc đến chuyện của anh thì đều rơm rớm nước mắt.
Chúng tôi tuy to gan, nhưng cũng không dám mạo hiểm chạy vào khu rừng già, cái tổ ong mà Tuyền béo nói thực ra nằm lủng lẳng trên cành cây đại thụ gần con suối nhỏ ở bìa rừng, cậu ta phát hiện trong lúc cùng dân làng đi lấy dầu thông.
Có điều tôi không ngờ tổ ong này lại lớn thế,còn lớn hơn tất cả những cái tổ mà chúng tôi đã từng chọc trước kia cộng lại nữa, nhìn từ xa, cái tổ tựa như một con nghé không chân bị treo ngược trên cành cây lớn, bên trong xáo xác một lũ ong to tướng bay qua bay lại, những tiếng vo vo khiến người ta rầy tai nhức óc.
Tôi thấy vậy chửi Tuyền béo: “Mẹ kiếp, cậu chơi tớ à? Tổ ong của cậu đấy hả? Bom nguyên tử thì có! Chọc để nó nổ cho thì có mà vỡ mặt!”. Tuyền béo cười hề hề bảo: “Còn gì nữa! Tổ ong thường thì tớ cần gì gọi cậu ra? Một mình tớ với tay một cái là xử lý xong. Sao? Dám làm nữa không?”
Tôi nghe vậy liền nói: “Nhằm nhò gì, đội ngũ chúng ta bất khả chiến bại, cả máy bay xe tăng của đế quốc Mỹ ta còn chẳng sợ, lại sợ mấy con ong nhép này ư? Mẹ tiên sư, toàn lũ hổ giấy cả thôi, hôm nay anh em mình dứt khoát phải xơi mật ong cho bằng được!”.
Tuy nói như vậy, nhưng cũng không thể làm bừa được, chỉ một chút sơ suất thôi chắc chắn sẽ bị bầy ong vò vẽ kia đốt cho đến chết, loại ong này to như vậy, hẳn có độc, cần gì nhiều, chỉ bị chích một hai phát thôi là đi đời nhà ma ngay. Cũng may bên cạnh lại có dòng suối, hẳn là trời cũng muốn giúp chúng tôi đây. Đầu tiên tôi bẻ một chiếc bánh ra làm đôi, cho Dẻ Vàng ăn rồi để nó chạy đi thật xa. Sau đó hai bọn tôi chia nhau mặc hai bộ quân phục thùng thình lên người, đội mũ da chó quấn khăn chít cổ, đeo chặt găng tay, trước mũ còn che một tấm vải the nhìn xuyên qua được mượn của mấy chị em thanh niên trí thức, sau khi đã kiểm tra trên mình không còn chỗ nào hở thịt, tôi mới bảo Tuyền béo tìm lấy hai cành lau rỗng ruột, mỗi thằng cầm một cành, để đợi chốc nữa dùng hít thở khi nhảy xuống suối tránh lũ ong.
Chuẩn bị xong đâu đấy, chúng tôi như hai con gấu ục ịch tiến lại gần gốc cây, tôi cầm nắm cỏ Đông tử và bao diêm trên tay chuẩn bị sẵn sàng Tuyền béo thì cầm cây sào, đếm “Một...hai...ba!” Vừa đếm đến ba, cái sào đã chọc mạnh vào chỗ nối giữa cành cây và cái tổ, chỉ vài nhát, cái tổ ong khổng lồ đã rơi bịch xuống đất, từ bên trong hàng vạn con ong vò vẽ to mẫm lao ra ồ ạt, chẳng mấy chốc đã bấu thành đám mây đen kịt giăng trên không trung, phát ra những tiếng vo vo inh ỏi phủ trùm lên đầu chúng tôi.
Tôi đã chuẩn bị tương đối kỹ, bất chấp sự tấn công của bầy ong, vẫn ngang nhiên đốt nắm cỏ Đông tử trên tay, rồi đặt ngay cạnh miệng tổ, bi khói hun sặc sụa, những con ong to sụ bị mất phương hướng lao ra nhốn nháo điên loạn, tôi và Tuyền béo vội lấy bùn đất đắp thành một gờ chống lửa chung quanh đống cỏ khô đang bốc cháy để tránh lửa lan ra cả khu rừng.
Lúc đó những con ong chưa bị hun sặc đã xác định rõ mục tiêu, lao ầm ập vào chúng tôi bất chấp sống chết. Tôi bấy giờ chỉ cảm thấy như có hàng ngàn hạt mưa đá rơi lộp bộp trên đầu, không dám dừng lại nửa bước, vội vã cùng Tuyền béo lao thẳng xuống dòng suối bên cạnh. Suối không sâu lắm, chưa đến một mét, sau khi nhảy đánh ùm, chúng tôi đã chạm xuống tận đáy nước, những con ong bám trên người lập tức bị nước suối cuốn trôi đi. Tôi một tay giữ chặt lấy cái mũ da chó trên đầu để khỏi bị nước cuốn, một tay móc lấy nhành lau rỗng ruột ra, đưa lên để thở.
Một lúc lâu sau tôi mới dám nhô đầu lên, thấy bầy ong con sặc nước, con sặc khói, tình hình đã không còn nguy hiểm nữa. Thời tiết khi ấy tuy là giữa hè, nhưng sông suối trong rừng núi lại vẫn rất lạnh, khắp người tôi cứ run cầm cập, khó khăn lắm mới bò được lên bờ, rồi nằm trên dải đá hít thở thật sâu, đón những vạt nắng ấm áp sưởi ấm thân mình, cảm giác dễ chịu khôn tả.
Chẳng lâu sau Tuyền béo cũng không thể chịu nổi, bèn run rẩy bò lên, mới bò được một nửa, đột nhiên hắn kêu á một tiếng, cánh tay vung phắt lên, chẳng hiểu vì sao trên tay đã bị cứa rách một đường dài, máu chảy lênh láng.
Tôi vội chạy xuống đỡ Tuyền béo, cậu ta vừa bóp chặt vết thương, vừa nói: “Cẩn thận đấy! Hình như dưới suối có cái bát vỡ, cứa đau chết được”.
Chung quanh vốn không có người ở, sao lại có bát vỡ ở đây, tôi bỗng nổi trí tò mò, liền cởi phăng quần áo để mình trần lặn xuống suối mò tìm, ở chỗ Tuyền béo bị cứa chảy máu, tôi mò được nửa cái bát sứ, nhìn kỹ kiểu dáng cùng với hoa văn xanh lam, cũng có mấy phần giống với đồ sứ hoa xanh thời Bắc Tống khi trước nội tôi sưu tầm.
Nhưng tranh chữ, đồ cổ của ông tôi, hồi đấu tố đều bị bọn Hồng vệ binh đập nát cả rồi, chẳng ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc này lại có thể nhìn thấy mảnh vụn của thứ đồ cổ này, cảm giác cũng thân thiết ra phết, nhưng suy cho cùng chúng cũng chẳng có giá trị gì với tôi cả, nghĩ đoạn tôi liền vung tay ném văng mảnh bát vào rừng.
Tuyền béo cũng cởi hết quần áo ướt, băng qua loa vết thương rồi lại nhảy xuống suối. Chúng tôi tắm xong, liền đem quần áo giày tất phơi lên dải đá sỏi trên bờ, tôi huýt một tiếng sáo dài gọi con Dẻ Vàng quay lại.
Chỉ thấy con Dẻ Vàng từ đằng xa chạy về, miệng tha theo một con thỏ rừng béo mẫm. Chẳng hiểu con thỏ xấu số kia thế nào mà lại để rơi vào mõm con chó săn còn đang trong thời gian tập sự này nữa. Tôi vừa thấy con thỏ rừng thì mừng rơn ôm lấy con chó lăn tròn trên mặt đất mấy vòng, quả là một con chó săn cừ khôi, tôi liền bẻ một buồng đẫm mật trên tổ ong thưởng cho nó.
Tuyền béo nói: “Sau đợt này bọn mình xin dân làng mấy nhóc cún về nuôi, mai mốt tha hồ ăn thịt thỏ.”
Tôi đáp: “Cậu đừng có mơ! Bao nhiêu thỏ rừng mới vừa cái miệng sói của cậu đây, thôi đừng ba hoa nữa, tớ đói rồi, cậu xử lý con thỏ kia đi, để tớ đi kiếm củi”.
Tuyền béo ngồi bên bờ suối làm sạch con thỏ từ trong ra ngoài, tôi ôm một mớ cành thông khô về đốt một đống lửa, quết một lớp mật ong dày lên mình con thỏ đã lột sạch da, rồi đem nướng. Chẳng mấy chốc, mùi thịt thỏ nướng mật thơm nức đã lan toả trong không khí, tôi cắt đầu con thỏ ra cho Dẻ Vàng, phần thịt còn lại thì xẻ làm đôi, tôi và Tuyền béo mỗi người một nửa đánh chén một trận đã đời. Tôi lớn chừng này rồi mà cũng chưa bao giờ được ăn thứ nào thơm ngon như thứ này, thiếu chút nữa là nuốt luôn cả mấy ngón tay vào bụng, tuy không có muối dầu gia vị, nhưng phết mật ong rừng lên thịt thỏ rồi lại dùng củi thông nướng chín cũng có một phong vị rất riêng, người ở thành phố cả đời cũng không thể nào tưởng tượng ra trên thế gian này lại có thứ đồ ăn ngon như thế.
Sau khi đánh một bữa no nê, thấy trời không còn sớm, quần áo cũng gần khô cả, hai chúng tôi dùng cành cây to xuyên ngang tổ ong, người trước người sau vác về, vừa đi vừa hát vang bài ca Cách mạng: “Trời bao la, đất bao la... đâu bằng lòng quyết tâm của nhân dân ta...Thân thay mẹ, thân thay cha...nào thân bằng tình nghĩa Đảng ta.” Thật đúng là “roi quất ngựa chồn chuông reo múa, hát vang một khúc tiến quân về”. Điểm không hài hoà duy nhất chính là tiếng sủa phấn khích của con Dẻ Vàng xen trong tiếng hát hào hùng của chúng tôi, điều này khiến cho tôi có cảm giác mình giống bọn giặc Nhật đổ bộ vào thôn làng trong phim vậy.
Về tới thôn, thấy người trong làng vơi đi quá bán, tôi liền hỏi Yến Tử: “Yến Tử! Bố em với mọi người đi đâu cả vậy?”
Yến Tử vừa giúp chúng tôi nhấc tổ ong xuống, vừa trả lời: “Sông Chakanha có lũ, cây gỗ trong lâm trường đều bị lụt cả, buổi trưa người trong làng đều chạy tới giúp khuân gỗ, đồng chí bí thư chi bộ bảo em nhắc các anh trông hoa màu cho cẩn thận, đừng có gây vạ, bọn họ phải bảy tám hôm nữa mới về được.”
Tôi chúa ghét nghe ai bảo mình không được gây hoạ, cứ làm như tôi sinh ra là để đi khắp nơi reo rắc tai hoạ không bằng, nghe vậy tôi liền nói với Yến Tử: “Đồng chí bí thư uống rượu say nói lẫn rồi! Bọn anh có gây vạ gì đâu? Bọn anh đều là cháu ngoan của Mao chủ tịch mà!”.
Yến Tử cười bảo: “Có thật là mấy anh không gây vạ gì không? Từ sau khi đám thanh niên trí thức mấy anh về đây, gà mái cả làng này đều bị nạt cho không con nào đẻ được trứng nữa rồi đấy.”
Hai anh bạn cùng đoàn với tôi cũng đã ra lâm trường, chỉ còn lại tôi, Tuyền béo và hai cô gái nữa, hai chúng tôi chạy đi chơi nên không bị gọi đến lâm trường khuân gỗ, nghĩ cũng may thật! Bọn tôi đổ mật ong vào bình, cả thảy cũng được hơn mười bình đầy, Yến Tử bảo buồng ong thừa lại có thể nấu ăn, bữa tối sẽ nấu cho chúng tôi ăn món thịt nai xào tổ ong.
Vừa nhắc đến ăn, Tuyền béo lại sướng tít cả mắt, bảo rằng hôm nay bọn mình có khác nào ăn Tết, chiều vừa ăn thịt thỏ nướng, tối lại được ăn thịt nai xào tổ ong, mình chảy cả nướng miếng ra rồi này. Yến Tử hỏi chúng tôi nướng thịt thỏ ở đâu. Tôi kể cho cô nghe đầu đuôi câu chuyện. Yến Tử nghe xong thì thốt lên: “Ôi trời ạ, các anh đừng có làm liều thế chứ! Nướng thịt thỏ ở bìa rừng, mùi thịt thơm như thế dụ gấu người ra thì sao?”
Bọn tôi nghe Yến Tử nói vậy mới sực nghĩ lại, đúng nguy hiểm thật, may mà không sao, có lẽ tại hôm nay con gấu đang ngủ cho nên không đánh hơi thấy mùi thịt nướng. Tôi vừa giúp Yến Tử gầy lò, vừa kể chuyện Tuyền béo bị mảnh bát vỡ ở suối cứa vào tay, chẳng biết ở nơi rừng hoang núi hẻm ấy cớ gì lại có bát sứ hoa xanh thời Tống nữa?
Yến Tử nghe vậy, mới bảo rằng: “Có gì lạ đâu, làng mình mỗi khi có ai lấy chồng, nhà nào nhà nấy cũng đều có đến mấy chiếc bình đựng làm của hồi môn, mà những thứ ấy đều vớt ở dưới suối lên cả.”
Tôi càng nghe càng thấy lạ, dưới suối lại vớt được đồ cổ ư?
Thấy tôi ngơ ngác, Yến Tử liền với tay vào gầm giường lôi ra hai chiếc bình sứ chỉ cho tôi xem: “Không phải dưới suối tự mọc ra đâu, đều là từ trên thượng du xối xuống đấy. Gần làng mình có mấy con sông đều bắt nguồn từ núi Tim Trâu ở khe Lạt Ma, nghe người già kể núi ấy có mộ của bà thái hậu nước Kim hay nước Liêu nào ấy, đồ tuỳ táng bên trong đều cũ rích cả rồi, có nhiều người muốn đi tìm cái mộ ấy lắm, nhưng chẳng phải không tìm thấy thì cũng là vào rồi mà không biết lối ra. Khu rừng trong khe Lạt Ma rậm rạp lắm, bố em còn kể từng thấy quanh khu ấy có người rừng xuất hiện, có người còn nói trong núi Tim Trâu có ma, bao năm nay chẳng có ai dám vào đấy đâu.”
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, màn đêm đã buông xuống từ lúc nào không biết, Yến Tử làm cơm cũng đã hòm hòm, Tuyền béo liền đi gọi hai cô bạn kia đến ăn cơm, nhưng vừa đi được một lúc, cậu ta và cô tên là Vương Quyên đã hớt hơ hớt hải chạy về. Tôi vội hỏi xem có chuyện gì, Vương Quyên thở hổn hển một hồi mới nói rõ, hoá ra cô bạn tên Điền Hiểu Manh ở cùng Vương Quyên nhận được thư nhà, trong thư viết mẹ cô bị hen suyễn phải nằm viện, bệnh tình xem ra khá trầm trọng. Điền Hiểu Manh nghe người ta bảo trong khe Lạt Ma có quả Bồ Tát chữa bệnh hen suyễn rất hiệu nghiệm, bèn một mình vào rừng tìm, đã đi từ sáng sớm mà mãi tớ giờ vẫn chưa thấy về.
Tôi nghe mà gân xanh giật lên bần bật bên hai thái dương, Điền Hiểu Manh này cũng liều mạng thật, chỗ đó là rừng nguyên sinh, ngay cả thợ săn có kinh nghiệm trong làng còn chẳng dám tuỳ tiện đi vào, làm sao mà cô ta lại đi một mình cơ chứ.
Vương Quyên khóc bảo rằng tại mình không ngăn Hiểu Manh được, rồi bảo mọi người mau chóng đi tìm, kẻo có chuyện gì thì chẳng biết phải làm sao nữa.
Nhưng bấy giờ lực lượng lao động trong làng đều đến lâm trường cả rồi, chỉ còn hai người già và trẻ nhỏ, xem ra chỉ còn mỗi tôi và Tuyền béo là đi được, Yến Tử cũng dắt theo Dẻ Vàng và súng săn đi cùng chúng tôi, Vương Quyên ở lại trông coi hoa màu.
Trong rừng núi có chó thì chẳng sợ lạc đường, chúng tôi không dám trễ nải, vội đốt đuốc dắt theo Dẻ Vàng phăm phăm vào rừng. Núi sâu rừng thẳm căn bản không có đường nào đi được, tôi cũng thực chẳng hiểu nổi Điền Hiểu Manh, con gái sao dám một thân một mình xông vào nơi thâm sơn cùng cốc này cơ chứ, Tuyền béo bảo,có lẽ tại cô lo lắng quá nên không tỉnh táo, mẹ bệnh nặng ai mà chẳng lo cơ chứ.
Trời tối, lại phải nhờ Dẻ Vàng ngửi mùi lần vết, nhưng nó chưa từng được huấn luyện bài bản bao giờ, nên cứ mất dấu suốt, thành ra lại phải quay lại tìm lần nữa, vậy nên chúng tôi đi rất chậm, đoạn đường ngày thường chỉ cần đi bốn năm tiếng, giờ ba chúng tôi phải đi suốt cả một đêm. Phía Đông trời đã hửng sáng, ngọn gió sớm trong khu rừng già thổi qua làm chúng tôi nổi hết da gà, không khí tươi mới của buổi sớm khiến tinh thần người ta phấn chấn, Yến Tử chỉ tay về phía Tây nói: “Hai anh trông! Ngọn núi lớn kia chính là núi Tim Trâu đấy.”
Tôi với Tuyền béo liền nhìn theo hướng tay cô chỉ, trong dãy núi bao trùm bởi biển rừng ngút ngát, sừng sững một ngọn núi khổng lồ hình thù quái dị, cả ngọn núi hình dạng như một quả tim trâu,chín dòng thác trắng muốt như chín con rồng ngọc cuồn cuộn chảy từ trên cao xuống, những đồ sứ mà dân làng nhặt được hẳn là do những dòng thác này cuốn ra, xem chừng lăng mộ của Thái hậu nước Liêu có lẽ ở trong núi, chỉ là xưa nay chẳng có ai tìm được lối vào mà thôi.
Tôi trông thấy dãy núi hùng vĩ ấy thì đột nhiên có một cảm giác rất lạ, thề có chủ tịch Mao, dãy núi này hình như tôi đã thấy ở đâu đó. Ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng tôi cũng sực nhớ ra đây chính là một đoạn chép trong cuốn tàn thư ông nội để lại mà hằng ngày khi rảnh rỗi tôi vẫn thường mở ra xem. Nơi có bố cục sơn thuỷ này chính là phong thủy tốt nhất để làm huyệt mộ, trước nhìn sông, sau tựa núi, chín dòng thác tuôn trào như chín con rồng hút nước, chia ngọn núi thành hình hoa sen nở rộ, đúng rồi, hình như bố cục này được gọi là “Cửu long trạo ngọc liên” (Chín rồng trùm sen ngọc) thì phải.
Chín dòng thác trên núi, nếu nhiều hơn hay ít hơn một, hoặc lưu lượng nước không đủ lớn, đều không thể gọi là bố cục “Cửu long trạo ngọc liên” được. Số chín là đơn vị lớn nhất, có hàm nghĩa “tối thượng, chí tôn”, phát âm lại giống với chữ “cửu” là “lâu bền”, có ý “vĩnh cửu trường tồn”, bởi thế tự cổ chí kim đều được coi là con số may mắn nhất. Ngoài ra, nếu lượng nước không đủ lớn, thì cũng không thể gọi là “rồng” được, mà chỉ có thể gọi là “rắn” mà thôi.
Loại huyệt báu phong thủy này, còn có một tên khác, gọi là “Lạc thần liễn”, trong sách có ghi, bố cục như vậy thích hợp nhất là an táng đàn bà, nếu chôn đàn ông vào, thì gia tộc nhà ấy kể như xúi quẩy muôn đời.
Lúc ấy, đầu tôi lởn vởn một suy nghĩ, cuốn Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật của nội tôi nào phải là sách phong kiến bậy bạ, nội dung sách chép toàn là vật thực việc thực, trở về thế nào tôi cũng sẽ đọc lai cho kỹ càng mới được.
Có điều tôi không hề thấy cái thứ thuật phong thuỷ này có giá trị gì cả, Trung Quốc tự xưa biết bao vị đế vương khanh tướng có ai chết mà lại chọn bừa lấy một mảnh đất đem chôn đâu? Vậy sao triều đại vẫn đổi thay, dòng lịch sử hết hưng thịnh rồi suy vong, lẽ nào do phần mộ tổ tiên mà quyết định được?
Yến Tử chỉ khe sâu phía trước núi Tim Trâu bảo: “Đây chính là khe Lạt Ma nổi tiếng, nghe đồn trong đó có người rừng, mà đêm đến lại còn có ma nữa.”
Tuyền béo đưa mắt nhìn khu rừng nguyên sinh rậm rạp âm u, nhíu mày nói: “Hiểu Manh đi vào khe này thảo nào chẳng lạc, chúng ta chỉ có ba người một con chó, muốn tìm cô nàng chắc cũng không dễ đâu.”
Tôi thấy hai người có vẻ nản lòng, bèn động viên: “Những người theo chủ nghĩa duy vật Cộng sản không nên tin vào những điều ma quỷ, bất kể là mà hay là người rừng, gặp phải tớ đây thì coi như vô phúc, tớ sẽ bắt sống mấy con, đem về Bắc Kinh tặng Mao chủ tịch, nhất định người sẽ rất kinh ngạc cho mà xem!”
Tôi và Tuyền béo đều xuất thân trong gia đình quân nhân, trong máu đã có sẵn phẩm chất gan lì chẳng sợ trời sợ đất, cậu ta nghe tôi nói thế, liền lập tức phấn chấn tinh thần, cũng xắn quần áo tiến vào khe sâu.
Chỉ còn Yến Tử là lo lắng chưa yên, Yến Tử dẫu sao cũng là người bản địa, từ bé đã nghe vô số câu chuyện đáng sợ về khe Lạt Ma,tự nhiên trong tâm trí cô hình thành một nỗi sợ tiềm ẩn âu cũng là điều dễ hiểu. Có điều bây giờ cứu người quan trọng, cô cũng đành gác lại nỗi lo sợ ấy mà đi theo chúng tôi.
Ba chúng tôi ngồi ăn lót dạ chút lương khô, kiểm tra lại đồ đạc chuẩn bị xuất phát, ba người có hai khẩu súng, đều là của bố con Yến Tử, một khẩu là súng ba nòng, một khẩu là súng tự chế của người Ngạc Luân Xuân, cả hai khẩu đều rất lạc hậu, toàn phải nhồi thuốc rồi mới bắn được, bắn cự ly gần thì khả năng sát thương rất lớn, nhưng nếu bắn mục tiêu ngoài ba mươi lăm mét trở ra, thì độ chuẩn xác và sức đi của đạn đều không mấy đảm bảo, dùng bắn hươu bắn thỏ thì còn tạm ổn.
Hồi tôi sáu tuổi đã được bố dắt tới trường bắn chơi súng, các loại súng ngắn dài của Quân Giải phóng tôi đều sử dụng thành thạo, nhưng loại súng săn nhồi thuốc này thì tôi không chắc có thể điều khiển được, Tuyền béo cũng không khác tôi là mấy, sau một hồi bàn bạc, tôi với Yến Tử mỗi người cầm một khẩu súng, Tuyền béo thì dắt một con dao chặt củi. Sau khi đã chuẩn bị tương đối, ba người bắt đầu tiến vào rừng cây rậm rạp trong khe Lạt Ma.
Trong khe Lạt Ma, so với ma quỷ và người rừng trong truyền thuyết, gấu người vẫn là mối uy hiếp trực tiếp và chân thực nhất, gấu người và gấu đen tuy cùng là gấu, song gấu người thích đứng thẳng đi như người cho nên mới có tên như vậy. Loài gấu này thân hình to lớn, da thịt săn chắc, thợ săn phải hợp nhau lại, còn mang theo một đàn chó săn mới dám tấn công nó. Còn như chỉ có một thân một mình vác theo cây súng rởm, gặp loại ác ôn này trong rừng sâu thì coi như đã lĩnh trọn án tử hình.
Chúng tôi đi mất nửa ngày trong rừng, tiếng nước tuôn rầm rầm ở chín dòng thác trên núi Tim Trâu nghe mỗi lúc một rõ, nhác thấy đã đi đến tận đầu kia của khe Lạt Ma, xem ra cũng gần tới chân núi Tim Trâu rồi.
Gấu người hay ma quỷ đều chẳng gặp, càng chẳng thấy bóng dáng của Điền Hiểu Manh đâu, Tuyền béo đặt bàn tọc phịch xuống đất, mệt nhọc nói: “Dừng thôi...thực sự...không thể đi nổi nữa!”
Yến Tử liền bảo: “Mọi người đành nghỉ một lúc đi vậy, con Dẻ Vàng hình như cũng không đánh hơi ra được dấu vết gì của Hiểu Manh cả, ôi, thế này thì chẳng xong rồi, ngộ nhỡ không tìm ra cô ấy, bí thư với bố em về sẽ mắng cho chết mất.”
Nãy giờ tôi cũng mệt ra trò, vớ lấy bình nước tu ừng ực mấy ngụm, đoạn nói với hai người: “Điền Hiểu Manh chắc không phải đã làm mồi cho gấu người đấy chứ? Hay là bị người rừng bắt đem về làm áp trại phu nhân mất rồi?”

Chúng tôi đang nghỉ ngơi nói chuyện phiếm, bỗng thấy Dẻ Vàng xông vào phía rừng cây rậm rạp sủa nhặng lên,mà chó săn đều là những giống chó cực tốt, nếu không gặp chuyện gì nguy hiểm lắm, chúng tuyệt đối không bao giờ sủa nhặng lên như thế.
Tôi hỏi Yến Tử: “Con chó làm sao thế? Có phải phát hiện ra thú rừng đúng không?”
Yến Tử mặt mũi tái nhợt: “Mau...Trèo mau lên cây! Có ...có gấu người!”
Tôi vừa nghe thấy hai tiếng “gấu người” thì lập tức ba chân bốn cẳng trèo tót lên một cành cây to, cúi đầu nhìn xuống, thấy Tiểu Yến Tử còn đang gắng sức đẩy mông Tuyền béo lên, cái cậu này vốn không biết leo trèo, chỉ biết gắng gượng ôm lấy thân cây nhích dần lên từng tí một. Thấy thế tôi lại vội tuột xuống, cùng Yến Tử đẩy cậu ta lên, nhọc nhằn lắm cuối cùng Tuyền béo mới leo lên được một chạc cây to gần nhất. Cậu ta nằm sấp ôm chặt lấy cành cây, mồ hôi nhễ nhại, nói vọng xuống: “Ôi khổ thân tôi...tổ sư cái cây...cao thế không biết!”.
Tiếng sủa của Dẻ Vàng càng lúc càng gấp, tôi với Yến Tử chưa kịp trèo lên cây, thì từ trong bụi rậm một con gấu người khắp mình đen trũi đã xông ra, con gấu thấy có người, lập tức phấn khích đứng thẳng hai chân, gầm lên như sấm.
Yến Tử đã đi theo cha đi săn trong núi nhiều năm, rất nhiều kinh nghiệm, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, ngay tức khắp giơ súng lên nhắm thẳng vào con gấu bắn luôn một phát, chỉ nghe “đoàng” một tiếng, tia lửa bắn toé ra, viên đạn đã trúng ngay bụng con gấu.
Khoảng cách gần, vả lại vùng bụng gấu chính là chố mềm yếu nhất, phát súng vừa rồi đã khoét ngay trên bụng con ác thú một cái lỗ lớn, máu tươi và phèo ruột đều xổ cả ra. Con gấu bị thương, tức giận vô cùng, liền lấy tay nhét đống phèo ruột vào trong bụng, điên cuồng lao về phía Yến Tử, súng săn của cô không thể bắn liên tiếp, phía sau lại toàn cây cối gai góc muốn chạy cũng không chạy đi đâu được, chỉ đành nhắm mắt chờ chết.
Cứu người là trên hết, tôi chẳng đắn đo gì thêm, vội vàng giương súng ngắm vào đầu con gấu, nếu phát súng này mà trược thì coi như Yến Tử đi tong, nghĩ đến đây tay tôi hơi run rẩy, vội lập tức nghiến răng bóp cò, một tiếng nổ “đùng” vang lên, lực giật của cây súng Ngạc Luân Xuân khiến tôi ngồi phịch xuống đất, suýt lộn mấy vòng, chẳng rõ do lực sát thương không đủ lớn hay tại tôi ngắm lệch, tuy viên đạn đã trúng đầu con gấu nhưng chỉ khiến nó mù một mắt.
Phát súng ấy tuy không chí mạng, nhưng đã cứu được Yến Tử, con gấu bị chột một mắt, khắp mặt máu me đầm đìa, hốc mắt hẵng còn lủng lẳng nửa con ngươi, con ác thú càng trở nên điên cuồng dữ tợn, bỏ mặc Yến Tử ở đó mà lao thẳng về phía tôi.
Lúc này, Dẻ Vàng từ phía sau cắn mạnh vào chân con gấu, con gấu quay ngoắt lại định túm lấy Dẻ Vàng, nhưng con chó rất cảnh giác, thấy đối thủ xoay mình, liền chạy tít ra xa, nhe hàm răng nhọn hoắt lên thách thức với con gấu.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi với Yến Tử vội tranh thủ chục giây quý báu, mỗi người leo ngay lên một cái cây.
Gấu người bị thương không nhẹ, ruột lòi cả ra ngoài, máu chảy đầm đìa, lại mù mất một mắt, ở trong rừng này ngay cả hổ cũng phải sợ nó vài phần, xưa nay đã bao giờ chịu thiệt đến thế đâu, muốn xông ra tóm con Dẻ Vàng, nhưng gấu thì chạy làm sao nhanh bằng chó săn được, muốn cắn xé chúng tôi, nhưng cả ba đều đã trèo lên cây hết cả. Nó đảo mấy vòng quanh gốc cây, tuy ôm một bụng căm tức, song nhất thời cũng không biết phải làm thế nào, bèn ngẩng đầu gầm lên như sấm, âm thanh chấn động cả núi rừng.
Tôi sấp mình trên cây, thấy con gấu ở dưới bực bội đảo đi đảo lại, quên khuấy mất đang trong tình thế nguy hiểm, chỉ thấy nực cười, bèn nói vọng sang phía Tuyền béo: “Ê! Béo! Ông hai nhà cậu sao vẫn chưa đi thế? Cứ đảo như đảo trứng phía dưới làm gì? Cậu khuyên ông cậu đi, đừng có nghĩ quẩn nhé!”.
Tuyền béo chẳng sợ gấu mà chủ yếu là sợ cao, nói theo thuật ngữ y học ngày nay tức là chứng sợ độ cao, thế nên cậu ta cứ nằm sấp ôm chặt lấy cành cây run rẩy, nhưng thấy tôi đá đểu, cũng chẳng chịu thua thiệt, liền chửi lại: “Hồ Bát Nhất! Cái đồ thất đức! Nhìn cho rõ rồi hãy nói nhé! Dưới kia không phải ông hai tôi đâu, mà hình như là vợ cậu hay sao ấy!”.
Tôi cười lên ha hả, rồi chỉ tay vào con gấu bên dưới nói : “Ối! Nhìn nhầm rồi! Hoá ra là bà dì của cậu Béo, tớ chẳng muốn làm dượng cậu đâu nhé!”.
Tuyền béo tức khí định ngắt quả thông ném tôi, nhưng hai tay đều đã bận ôm khư khư lấy cành cây, sợ hễ rời tay ra là ngã xuống đất cho nên chẳng dám làm động tác gì mạnh, chỉ biết giương mắt lên lườm mà thôi.
Tôi thấy bộ dạng Tuyền béo thì lại càng buồn cười, nhưng nụ cười ấy ngay lập tức cứng đờ, con gấu điên khùng bên dưới bắt đầu bất chấp tất cả, một mực trèo lên cái cây tôi đang náu mình.
Tuy con gấu nặng nề, nhưng rất khoẻ, lại bị thương, cái đau đã khiến nó hoàn toàn mất đi lý trí, trong mắt nó giờ đây chỉ còn có ba người chúng tôi và một con chó, con mắt còn lại của nó trợn lên đỏ ngầu, những chiếc gai thịt bên bàn tay nó bấu chắc vào thân cây, cả cơ thể to lớn mà nhún một cái đã lên được cả mét. Tôi chửi thầm trong bụng: “Tiên sư đứa nào bảo ông gấu chó không biết trèo cây ấy nhỉ? Muốn chơi ông chắc!”.
Xưa nay vào rừng, thợ săn già vẫn thường dặn dò đám người trẻ: Thà đánh mãnh hổ, không chấp gấu điên. Bởi loài gấu bị thương mà phát khùng lên thì sức phá hoại và sự tàn bạo thật không ai có thể tưởng tượng ra được. Tôi sợ đến tái mặt, nào còn bụng dạ bỡn cợt với Tuyền béo nữa, trong đầu chỉ rặt một suy tính tìm kế thoát thân.
Lúc bấy giờ Yến Tử liền nhắc tôi: “Mau...mau nhồi đạn! Bắn nốt con mắt còn lại của nó mau!”.
Tôi lúc ấy mới sực nhớ ra cây súng săn đeo sau lưng, vừa mắng mình vô tích sự, vừa trèo thêm một quãng nữa lên phía ngọn cây, cởi bỏ dây lưng, thắt vào một cành cây to đủ chịu trọng lượng cơ thể mình, sau đó một tay giữ chắc cây súng để giữ trọng tâm, tay còn lại nhồi cả nửa số thuốc đựng trong ống sừng trâu vào nòng súng.
Con gấu trèo rõ nhanh, cách tôi mỗi lúc một gần, Yến Tử và Tuyền béo đều toát hết mồ hôi lạnh. Tôi gắng dồn sự chú ý vào việc nhồi thuốc,cố không nghĩ đến con gấu hung dữ đang tiến lại gần mình nữa.
Sau việc nhồi thuốc là công đoạn nạp đạn, phải dùng ống sắt nhồi thật chặt, tóc mai và lỗ mũi tôi ướt sũng mồ hôi, loại súng săn này quả thật rắc rối, để vỡ nòng thì tôi cũng toi đời luôn. Ở vùng rừng núi Đông Bắc này, đã có biết bao thợ săn vì không có nổi lấy một khẩu súng bắn nhanh mà để mất sinh mạng quý báu, lúc này giá mà tôi có một khẩu súng trường bán tự động kiểu 56, thì dẫu dăm ba con nữa đến đây cũng chấp hết, bằng không thì súng lục cũng vẫn được.
Ngay sau khi tôi nạp đạn và thay xong mồi lửa, móng vuốt sắc nhọn của con ác thú cũng đã vập sát chân, tôi vội co chân lại, thuận thế xoay nòng súng chĩa xuống dưới, nhằm đúng đầu con gấu mà bóp cò. Lần này vì cho quá nhiều thuốc súng nên khói bay mịt mù, làm mặt tôi đen kịt.
Đạn được nén trong lòng súng rồi bắn ra nhờ sức thuốc nổ, nhưng vì góc độ quá thấp nên bị lỏng, không thể nào phát huy được hết uy lực vốn có của súng, vả lại do tôi bắn súng một tay, phía sau không có điểm tựa, nên cự ly gần thế mà cuối cùng vẫn bị lệch, không bắn trúng đầu mà chỉ làm con gấu tét một bên vai. Con gấu người gã tự độ cao mười mấy mét xuống đất đánh rầm một cái, bên dưới toàn là lá khô cành mủn dày đến mấy tấc,cộng với con gấu cũng thuộc loại da dày thịt chắc, nên rơi từ trên cao xuống vẫn không mảy may gì.
Con gấu lại bò dậy, lần này nó không trèo lên nữa, mà rú lên ầm ĩ huých mạnh tảng người vâm chắc vào thân cây như một cỗ xe tăng hạng nặng, làm lá thông quả thông rơi xuống lả tả như mưa.
Cũng may tôi gài cánh tay vào sợi dây lưng treo trên cành nên không đến nỗi bị rơi xuống dưới, chỉ hơi lo cái cây không đủ to chắc, bị con gấu huých thêm vài phát nữa không chừng cũng bật rễ luôn, thật không ngờ hôm nay lại phải chết trong chốn rừng thiêng nước độc này. Phút lâm chung cũng không được mất thể diện, chí ít phải lấy lại chút chí khí lẫm liệt của người chiến sĩ cách mạng vì đại nghĩa quên mình, phải khiến cho Tuyền béo và Yến Tử thấy rằng họ Hồ ta đây không phải là hạng tầm thường. Nghĩ đoạn tôi liền cao giọng gọi Yến Tử và Tuyền béo: “Xem chừng tớ phải đi gặp ông Các Mác rồi, xin lỗi các đồng đội, tớ đi trước một bước đây, tớ đến đó sẽ giữ chỗ cho, hai người có lời nào muốn nhắn gửi tới những người thầy của chủ nghĩa cách mạng của chúng ta không, tớ sẽ chuyển giúp!”
Tuyền béo nằm trên một cái cây cách tôi mười mấy mét, nói vọng lại: “Đồng chí Hồ Bát Nhất! Cậu cứ yên tâm lên đường,. sự nghiệp cách mạng có cậu cũng không tốt lên, thiếu cậu cũng chẳng xấu đi, cậu cứ đến chỗ lão Mác học lý luận cách mạng cho tốt đi, nghe nói họ ăn toàn thịt bò sốt khoai tây đấy,có quen được không?"
Tôi đáp lời: “Người làm cách mạng có bao giờ kén cá chọn canh? Này đồng chí Béo! Cỗ xe cách mạng còn chưa đổ thì các cậu vẫn phải tiếp tục đẩy về phía trước đấy nhé! Cờ đỏ tung bay dân cầm mác, tước quyền bá chủ quân gian ác, hai phần ba dân nghèo trong thiên hạ đang chờ các cậu đi giải phóng đấy, tớ đi ăn thịt bò sốt khoai tây đây!”
Yến Tử khóc oà lên: “Giờ là lúc nào rồi mà các anh vẫn còn đùa được chứ? Mau nghĩ cách gì đi!”
Đúng lúc chúng tôi bó tay hết cách, con gấu bỗng dưng không huých cây nữa mà dừng lại, ngồi bệt xuống đất thở phì phò. Hoá ra do chảy quá nhiều máu, lại không ngừng lồng lộn, nên tuy có sức mạnh ghê người, con gấu cũng đến lúc cùng kiệt, cơn điên cũng xẹp đi không ít, nó ngồi dưới gốc cây, giở kế “rỗi chơi đợi nhọc”, chờ cho chúng tôi mệt lả mới tiếp tục ra tay.
Dẻ Vàng cũng biết con gấu ghê gớm, nên không dám bén mảng tới gần, chỉ ngồi chồm chỗm ở một chỗ thật xa, nó hẳn cũng rất đói, nhưng bởi tuyệt đối trung thành với chủ nên quyết không bỉ đi kiếm ăn một mình. Yến Tử xót chó, huýt một hồi sáo ra lệnh cho Dẻ Vàng tự đi kiếm ăn, nó mới lầm lũi bỏ đi.
Ba người chúng tôi nằm trên cành cây cùng bàn bạc đối phó, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thực sự chẳng còn cách nào nữa cả, giờ mà xuống dưới liều mình, với mấy khẩu súng kiểu cổ lỗ sĩ này khác nào tự tìm cái chết, người trong làng đều đã đi cả, nên chờ người đến cứu là điều không thể. Để khỏi rơi xuống đất, mỗi người đành phải lấy thắt lưng trói chặt thân mình vào cành cây, rồi chờ xem ai lỳ hơn ai.
Vậy là bế tắc,tình thế giằng co thế này rất bất lợi đối với ba người chúng tôi, một phen sống mái kinh hồn bạt vía với con gấu vừa rồi cũng đã khiến sức lực chúng tôi gần như cạn kiệt, trời cũng sắp tối, cả ba hơn hai ngày một đêm đều không được chợp mắt, ban sáng cũng chỉ ăn có mấy miếng bánh lót dạ, giờ vừa đói vừa buồn ngủ, chỉ e chưa đến sáng sớm đã lả đi mà rớt xuống mất.
Tình cảnh này khiến tôi nhớ đến một câu thơ của Mao chủ tịch: “Địch kia vây bủa trùng trùng, ta đây đứng vững không lung không sờn”. Có điều trong núi chẳng hề có cờ lọng phấp phới, chỉ có mỗi con gấu người đang chồm hỗm chờ sẵn.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, bất giác cơn buồn ngủ thiu thiu ập đến, tôi nằm úp trên cây rồi thiếp đi. Cũng chẳng biết ngủ được bao lâu, đến khi có cảm giác đói meo khó chịu, mình mẩy đau nhức, tôi mới tỉnh giấc, chỉ thấy trên trời sao giăng chi chít, trăng tựa móc câu, đêm chừng đã khuya. Khắp khu rừng yên lặng như tờ, tôi mượn ánh trăng quan sát, con gấu đã không còn dưới gốc cây nữa, nó bỏ đi từ lúc nào cũng chẳng ai hay. Cây cối rậm rạ
anl4enfz
anl4enfz
Smod
Smod

Tổng số bài gửi : 57
Points : 141
Join date : 14/11/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết